Yếu tố nào sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì tăng trưởng?

Năm 2021, các doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì được đánh giá có nhiều yếu tố thuận lợi để tăng trưởng nhờ nhu cầu giấy trong nước và thế giới tăng cao.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), mức tiêu thụ bao bì giấy ở Việt Nam dự kiến tăng 12% trong giai đoạn 2021-2025 nhờ tốc độ đô thị hóa vẫn còn tiếp diễn. SSI dự báo tốc độ đô thị hóa trong nước ước đạt 40% trong năm 2024 so với mức 37% năm 2019. Mảng bao bì giấy cũng được hưởng lợi từ tốc độ phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử Việt Nam.
Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cho hay, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020 với mức tăng 18%, quy mô thị trường 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Việt Nam cũng là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử ở mức 2 chữ số. Ngoài ra, tổng kim ngạnh xuất khẩu của Việt Nam duy trì đà tăng trưởng sẽ thúc đẩy nhu cầu về bao bì giấy trong tương lai.
Về năng lực sản xuất, theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), giai đoạn cuối năm 2020 đầu 2021 có 8 nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp đưa vào vận hành với tổng công suất thiết kế khoảng 1,4 triệu tấn/năm.

nganh-giay
Theo đó, cuối năm 2020 với công suất khoảng 800.000 tấn bởi các doanh nghiệp: Tập đoàn Marubeni 450.000 tấn/năm, Công ty TNHH MTV Giấy Khôi Nguyên 120.000 tấn/năm, Công ty TNHH sản xuất thương mại Giấy Phát Đạt 100.000 tấn/năm, Công ty TNHH sản xuất thương mại tổng hợp Toàn Cầu 80.000 tấn/năm và Công Ty TNHH Thương Mại Tân Huy Kiệt 50.000 tấn/năm.
Các dây chuyền sản xuất giấy này sẽ vận hành đạt gần tối đa công suất thiết kế trong năm 2021 và sẽ bổ sung cho thị trường khoảng trên 700.000 tấn giấy.
Trong năm 2021, dự kiến một số dây chuyền khác sẽ được đưa vào vận hành với tổng công suất thiết kế của các nhà máy là khoảng 600.000 tấn/năm; trong đó, Công ty cổ phần Miza sẽ vận hành dây chuyền 120.000 tấn/năm, Công Ty TNHH Giấy Hưng Hà 100.000 tấn/năm, Công ty cổ phần Giấy Hoàng Văn Thụ 100.000 tấn/năm, Công ty cổ phần Giấy Việt Trì 150.000 tấn/năm, các đơn vị khác khoảng 100.000 tấn/năm.
VPPA cũng chỉ ra các yếu tố tích cực tác động đến sự tăng trưởng của giấy bao bì tại Việt Nam. Đó là, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu  cả nước tăng 5%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8% và sẽ duy trì đà xuất siêu như năm 2020. Các ngành hàng sử dụng nhiều bao bì giấy đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đạt cao trên 10% trong năm 2021 như: nhóm hàng nông, lâm, thủy sản và nhóm hàng công nghiệp chế biến gồm dệt may, giày dép, đồ gỗ, điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng....
Xu hướng dịch chuyển các nhà máy công nghiệp của các doanh nghiệp FDI từ các trung tâm sản xuất lớn sang các quốc gia Đông Nam Á hoặc chuyển trở về sản xuất trong nước (các công ty đa quốc gia của Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU) đã làm thay đổi cấu trúc và cơ cấu nền kinh tế của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Kết hợp với đó là sự dịch chuyển của các doanh nghiệp từ Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản về gia công bao bì giấy xuất khẩu do thách thức mức thuế suất 25% của Mỹ đối với Trung Quốc từ cuối năm 2019 đến giữa năm 2021 bắt đầu có tác dụng cao.
Năm 2021 cũng là năm có thể tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia ký kết, đặc biệt các hiệp định mới Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… giúp gia tăng các ngành hàng có nhu cầu sử dụng bao bì giấy nhiều như nông nghiệp, thuỷ sản, may mặc và dày da, điện thoại và điện tử… Tiêu dùng bán lẻ trong nước cũng được dự báo tăng trở lại mạnh mẽ trên 10%.
Theo VPPA, việc hạn chế rác thải nhựa, túi nilon và gia tăng khuyến khích sử dụng bao bì giấy thay thế đang có dấu hiệu phát triển sâu rộng và mạnh tại Việt Nam vào năm 2021.
Ngoài ra, tiêu dùng giấy bao bì trên thế giới và khu vực châu Á dự báo có thể tăng trưởng trở lại trên 3,5%. Nhiều quốc gia, khu vực sẽ ban hành lệnh hạn chế thậm chí cấm sử dụng túi nilon, đặc biệt là ở các nền kinh tế lớn thực hiện điều này mạnh mẽ trong giai đoạn 2021 - 2022.
Xuất khẩu giấy bao bì và bao bì giấy vào thị trường Trung Quốc năm 2021 triển vọng cao hơn năm 2020, do Trung Quốc được dự báo sẽ thiếu cung hơn 5 triệu tấn và có thể cao hơn khi lệnh cấm nhập khẩu giấy thu hồi chính thức có hiệu lực từ 1/1/2021. Giá giấy cao hơn do áp lực về giá nội địa tăng cao và đặc biệt là chi phí về môi trường, năng lượng (chính sách siết chặt về môi trường được thực hiện từ tháng 10/2020).
Xuất khẩu giấy bao bì và bao bì giấy vào thị trường các nước tham gia các hiệp định thương mại mới như CPTPP, EVFTA sẽ gia tăng mạnh mẽ do được ưu đãi về thuế và tăng trưởng giao dịch thương mại.
Dù vậy, về mặt thách thức, xuất khẩu vào Trung Quốc cũng sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với nhiều quốc gia khác do Trung quốc đã giảm thuế nhập khẩu giấy lớp sóng xuống 5% vào năm 2020 cho nhiều quốc gia, trước đó là trên 7% tuỳ theo quốc gia, trong khi đó mức thuế 5% này trước đó chỉ ưu đãi cho một số quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Các doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều thách thức như cạnh tranh tiêu thụ giữa các doanh nghiệp sản xuất trong nước do thêm nhiều dây chuyền mới đưa vào sản xuất; cạnh tranh với giấy nhập khẩu: giấy nhập khẩu dự kiến đến mạnh hơn từ các quốc gia trong khu vực như Lào (480.000 tấn mới), Malaysia (500.000 tấn mới) và từ Indonesia, Thái Lan do nhu cầu tiêu dùng nội địa của họ thấp nên sẽ gia tăng xuất khẩu vào Việt Nam.

Doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì cũng đối mặt với thách thức về thiếu nguyên liệu sản xuất và giá duy trì mức cao trong 6 tháng đầu năm 2021 do nguồn cung chính giấy thu hồi là Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản vẫn đang bị ảnh hưởng mạnh do dịch COVID -19.
Việc giãn cách xã hội làm sụt giảm tỷ lệ thu gom nguyên liệu giấy, ngoài ra thiếu container và cước vận chuyển cũng là vấn đề lớn nên việc thiếu nguyên liệu và giá vẫn ở mức cao đang được thể hiện rất rõ rệt.
Trong khi đó, nguồn thu gom trong nước thấp, chất lượng nguyên liệu không cao, không đủ đáp ứng nhu cầu khi các công suất mới dự kiến tăng 1 triệu tấn.
Dù đối mặt với nhiều thách thức lớn, các doanh nghiệp ngành giấy đã nắm bắt khá tốt những cơ hội để vươn lên. VPPA cho biết năm 2020, tổng tiêu dùng giấy bao bì đạt 4,286 triệu tấn, tăng trưởng 0,9% so với năm 2019. Dù tốc độ tăng trưởng tiêu thụ ở mức thấp nhưng so với mức tăng trưởng chung của thế giới giảm 5,0%, thì đây vẫn là con số rất ấn tượng.
Riêng xuất khẩu giấy bao bì trong năm 2020 đạt 1,526 triệu tấn, tăng trưởng tới 95,3% so với năm 2019, đây là mức tăng xuất khẩu lớn nhất trong lịch sử của ngành.
Năm 2020, cũng là năm các doanh nghiệp ngành giấy có kết quả kinh doanh rất tích cực, đặc biệt là mức tăng trưởng mạnh của mảng giấy bao bì.
Đơn cử như Công ty cổ phần Đông Hải Bến Tre (mã chứng khoán: DHC), năm 2020, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp đạt 2.888 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2019, trong khi nhận lợi nhuận sau thuế gấp 2,15 lần năm trước, đạt gần 392 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong 13 năm qua.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt – VCSC, kết quả kinh doanh của Đông Hải Bến Tre vượt kỳ vọng là nhờ chủ yếu vào mảng giấy. Công ty chứng khoán này ước tính doanh thu mảng giấy năm 2020 của doanh nghiệp chiếm tới 88% tổng doanh thu; trong đó, doanh thu mảng bao bì chiếm 12% tổng doanh thu tăng 2% so với năm 2019. Riêng quý IV, doanh thu mảng bao bì tăng 8% so với cùng kỳ năm 2019 và 5% so với quý III/2020.
Đánh giá về triển vọng ngành giấy năm 2021, VPPA cho rằng, doanh nghiệp sản xuất giấy đang có cả cơ hội xen lẫn thách thức, nhưng ngành giấy Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì đã và sẽ vượt qua được khó khăn, tận dụng cơ hội để phát triển./.
 
Nguồn: VPPA