Hà Nội: Đánh giá tác động về ứng phó biến đổi khí hậu đến ngành giấy

Nguồn: Công Thương

Nằm trong các hoạt động đánh giá tác động về ứng phó biến đổi khí hậu đến các lĩnh vực của ngành Công Thương, năm 2018, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành đánh giá tác động đối với các doanh nghiệp sản xuất giấy của Thủ đô.  

Hoạt động trên là nhằm cụ thể hóa văn bản số 750/UBND-KT ngày 26/02/2018 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt danh mục các nhiệm vụ thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu ngành Công Thương trên địa bàn Thành phố năm 2018 và Kế hoạch số 1049/KH-SCT ngày 15/03/2018 của Sở Công Thương về hành động ứng phó với biến đổi khí hậu ngành Công Thương trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2018. Công tác đánh giá sẽ góp phần giúp các cơ quan quản lý và doanh nghiệp đề ra các giải pháp có tính khoa học và kịp thời nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

3329_anh_bai_HN_-BDKH_nganh_Giay

Ngành sản xuất giấy của Thủ đô được đánh giá tác động về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Qua quá trình đánh giá kết quả cho thấy, hiện quá trình sản xuất giấy phát thải ra môi trường dưới cả ba dạng: rắn, lỏng và khí. Đối với nước thải thì tải lượng các chất ô nhiễm trong nước sản xuất giấy bao gồm: Tải lượng BOD5 từ các quy trình này là khoảng từ 300-360 kg đối với 1 tấn bột giấy khô gió, tương tự như vậy tải lượng COD tạo ra bằng khoảng 1.200 – 1.600 kg đối với 1 tấn bột giấy khô gió. Trong khi đó, tại các nhà máy bột giấy được tẩy trắng, công đoạn tẩy chính là công đoạn gây ô nhiễm nhiều nhất. Nước thải từ công đoạn tẩy chiếm 50 – 75% tổng lượng nước thải và chiếm 80 – 95% tổng lượng dòng thải ô nhiễm.

Đối với khí thải, quá trình nấu tạo ra khí H2S có mùi rất khó chịu, methyl mercaptant, dimethyl sulphide và dimethyl – disulphide. Các hợp chất này còn thường được gọi là tổng lượng lưu huỳnh dạng khử (TRS) được thoát ra từ quá trình nấu, khi phóng bột. Các hợp chất mùi phát sinh khác có tỉ lệ tương đối nhỏ hơn so với TRS và có chứa hydrocarbons. Trong quá trình thu hồi hóa chất, một lượng SO­2 nồng độ cao cũng bị thoát ra ngoài. Các ô-xít lưu huỳnh được sinh ra từ các nhiên liệu có chứa sulphur (như than đá, dầu FO…) được sử dụng cho nồi hơi để tạo hơi nước. Phát thải bụi cũng được quan sát thấy tại một số lò hơi đốt than khi không có đủ các thiết bị kiểm soát bụi (cyclon, túi lọc, ESP…).

Đối với chất thải rắn: Chất thải rắn gồm bùn, tro, chất thải gỗ, tạp sàng, phần tách loại từ quá trình làm sạch ly tâm, cát và sạn. Nguồn chính của bùn là cặn của bể lắng, và cặn từ tầng làm khô của trạm xử lý nước thải. Bên cạnh đó, đôi khi còn có cặn dầu thải từ thùng chứa dầu đốt. Khi sử dụng than, xỉ và phần than chưa cháy từ lò hơi cũng là nguồn thải rắn cần phải được thải bỏ một cách an toàn. Lượng thải rắn của các công đoạn/hoạt động khác nhau phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như quy mô hoạt động, thành phần nguyên liệu thô… và rất khó ước tính.

Dựa trên nguồn số liệu chính thức được điều tra mới nhất và phương pháp sử dụng tính toán hệ số phát thải khí nhà kính của Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC), các chuyên gia tư vấn đã xây dựng thí điểm chỉ số phát thải CO2 cho một đơn vị sản phẩm trong ngành giấy. Cụ thể lượng phát thải thải từ các nguồn: hệ thống xử lý nước thải 1.120 tấn CO2; yếu tố con người 158,1 tấn CO2; than đá 8.100 tấn CO2; điện 5.567 tấn CO2 phát thải từ những nguồn khác không đáng kể. Tổng lượng phát thải/Sản lượng quy đổi là 0,252 tấn CO2/1.000 lít bia; chỉ số phát thải CO2 là 252 kg CO2/tấn sản phẩm.

Kết quả trên không chỉ giúp các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô nâng cao nhận thức và từng bước chuyển sang hành động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu đồng thời còn khẳng định được vai trò của nhà nước trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp và cộng đồng trong sự nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững.