Giấy tissue: Thuận lợi và hạn chế trong kinh doanh toàn cầu
Nguồn: VPPA (tổng thuật)
Trong hơn 30 năm qua, tiêu thụ giấy tissue trên thế giới đã tăng liên tục. Ngay cả năm 2009 – trong cuộc đại suy thoái 2008-2009, một năm bết bát đối với hầu hết các loại giấy và bìa khác, nhưng thị trường giấy tissue toàn cầu vẫn tiếp tục mở rộng, mặc dù chỉ đạt 1,2% so với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 3,7% trong suốt 25 năm trước đó (kể từ năm 1993). Năm 2018, tiêu thụ giấy tissue toàn cầu đạt 38,7 triệu tấn và có thể đạt mức 40 triệu tấn trong năm 2019, so với năm 1993, khi đó mức tiêu thụ chỉ đạt 15,5 triệu tấn. Hiện nay mức tiêu thụ giấy tissue đã vượt qua giấy in báo ở quy mô thị trường, một điều khó có thể tin được 20 năm trước.
Mặc dù có nhiều diễn biến thuận lợi trong vài thập kỷ qua, nhưng vẫn có một số câu hỏi liên quan đến tissue được đặt ra. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này sẽ tiếp tục kéo dài trong bao lâu? Những hấp lực nào đang thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường? Yếu tố nào sẽ làm thay đổi tổng quan thị trường trong dài hạn cho giấy tissue? Những nơi nào trên thế giới sẽ có cơ hội mở rộng tốt nhất? Mức sử dụng giấy tissue theo đầu người cần bao nhiêu? Mức sử dụng sẽ tiếp tục tăng hay thị trường sẽ dần dần đạt giới hạn tuyệt đối?
Tiêu thụ bình quân đầu người là tiêu chí cơ bản để so sánh mức độ sử dụng giấy tissue của các khu vực trên toàn thế giới. Xét về bình diện toàn cầu, mức tiêu thụ trung bình trên đầu người không quá 5,2 kg (năm 2018), nhưng có sự khác biệt rất lớn giữa các khu vực, từ gần 26 kg mỗi đầu người ở Bắc Mỹ đến dưới 1,0 kg ở Châu Phi và một số vùng thuộc Châu Á (Hình 1).
Tình trạng này có thể được giải thích theo nhiều cách. Lạc quan nhất là có nhiều khu vực đang tụt lại quá xa so với các khu vực phát triển khác, các khu vực này có tiềm năng phát triển rất lớn và vấn đề chỉ còn là thời gian sẽ kéo dài bao lâu để thúc đẩy việc tiêu thụ giấy tissue ở các khu vực kém phát triển. Hiện nay cũng có quan điểm cho rằng, tiêu thụ giấy tissue sẽ không bao giờ trở nên phổ biến ở tất cả các khu vực, mà tiêu thụ giấy tissue sẽ phát triển mạnh tại các nước công nghiệp và không phổ biến ở các nước mới nổi, hoặc với các nền văn hóa, tôn giáo và thói quen tiêu dùng khác nhau. Quan điểm không nhất quán cho rằng giấy tissue sẽ dần dần thâm nhập vào các khu vực mới nhưng không bao giờ đạt được cường độ sử dụng hoặc mức tiêu thụ bình quân đầu người như ở các khu vực tiên tiến nhất vì có sự khác biệt về lối sống giữa các khu vực.
Có một số yếu tố thúc đẩy mức tiêu thụ giấy tissue. Trong đó, gia tăng dân số và phát triển kinh tế là hai yếu tố chính. Tại các nước có nền kinh tế tiên tiến, mức tăng trưởng GDP hầu như không liên quan chặt chẽ với tiêu thụ tissue, nhưng lại là một rào cản ở các nước nghèo nhất. Những thay đổi về nhân khẩu học có mối quan hệ khá trực tiếp với mức tiêu thụ giấy tissue, với điều kiện phát triển kinh tế khi đạt đến một mức nhất định, thông thường ngưỡng này là khoảng 3.000-4.000 USD thu nhập hàng năm trên đầu người thì giấy tissue được coi là một sản phẩm tiêu dùng thiết yếu thông thường. Vì lý do này, tỷ lệ người không sử dụng khăn giấy vẫn còn tương đối cao ở các quốc gia nghèo nhất ở Châu Phi và Châu Á. Yếu tố tôn giáo, nhất là các quốc gia Hồi giáo, cũng như thói quen vệ sinh truyền thống ít sử dụng nước ở Ấn Độ, cũng đang hạn chế mức sử dụng giấy.
Khăn giấy là một trong số ít các sản phẩm toàn cầu có sự cạnh tranh tương đối hạn chế từ các sản phẩm hoặc vật liệu khác trong việc sử dụng cơ bản làm giấy vệ sinh. Tại Nhật Bản, nhà vệ sinh công nghệ cao dựa trên nước và/hoặc máy phun khí với một số chức năng bổ sung, bao gồm mở nắp tự động, âm nhạc, hệ thống khử mùi ozone và nước tiểu, dường như đã có ảnh hưởng tiêu cực đến việc tiêu thụ giấy tissue. Và có lẽ ảnh hưởng quan trọng nhất là tã bỉm trẻ em, nơi mà các thiết kế và nguyên liệu mới với chất siêu thấm đã thay thế hiệu quả băng giấy tissue truyền thống trong các cấu trúc tã bỉm.
Nếu với mức tiêu thụ tissue bình quân đầu người chỉ ở mức trên 5 kg, thì vẫn còn rất nhiều tiềm năng ở nhiều khu vực. Mặc dù rất khó để tin rằng bất kỳ khu vực nào khác cũng sẽ đạt mức 25kg đầu người như ở Bắc Mỹ, nhưng với mức trung bình chỉ cần 10 kg đầu người thì sẽ tăng gấp đôi lượng tiêu thụ tissue toàn cầu, lên tới gần 80 triệu tấn. Điều này là hoàn toàn có thể nhưng sẽ mất nhiều thời gian và sẽ kéo dài hàng mấy chục năm.
Sự gia tăng dân số toàn cầu, nếu tiếp tục tăng ở mức gần 1,0% mỗi năm, sẽ làm gia tăng mức tiêu thụ giấy tissue ở khu vực các nước tiên tiến nhất, chẳng hạn như Bắc Mỹ. Theo từng khu vực, chúng ta nhận thấy tiềm năng thú vị nhất ở châu Á (trừ Nhật Bản), châu Mỹ Latinh và một phần của châu Phi. Trung Quốc gần đây đã trở thành động lực chính cho việc tiêu thụ tissue toàn cầu với mức tiêu thụ bình quân đầu người 6,3 kg, nhưng vẫn còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác ở đó.
Ở một số quốc gia ở Châu Á khác, giấy tissue đã bắt đầu phát triển, ngay cả ở Ấn Độ, nhưng với mức khởi điểm rất thấp thì sẽ mất nhiều thời gian để khu vực này đạt được tầm quan trọng toàn cầu. Mỹ Latinh dường như đang theo mô hình tiêu dùng của phương Tây và triển vọng tăng trưởng của nó là tốt. Ngay cả ở châu Phi, chúng ta cũng nhận thấy tiêu thụ tissue đang gia tăng ở một vài quốc gia trong những năm gần đây.
Theo nhận xét và đánh giá của giới phân tích thì tiêu thụ tissue toàn cầu sẽ tiếp tục gia tăng, nhưng tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm có thể sẽ chậm lại và chỉ đạt 3,5-3,7%. Dự báo trong khoảng 10 năm tới mức tiêu thụ tissue toàn cầu có thể đạt tới 50 triệu tấn/năm. Với đánh giá và nhận xét trên, có thể kết luận rằng tương lai phát triển của giấy tissue là tốt nếu triển vọng nhu cầu tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là sản xuất và kinh doanh giấy tissue sẽ là một lĩnh vực dễ dàng. Nhiều công ty đã thấy sự hấp dẫn của phân khúc và đã có dự kiến các khoản đầu tư theo sau, nên dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà cung cấp ở gần như mọi nơi trên thế giới.