Giấy tái chế, người bạn của môi trường

Nguồn: Lan Chi

PAPER_19_11_825px

Xét cả hai mặt kinh tế và môi trường, việc tái chế giấy đã qua sử dụng đều đem lại những lợi ích đáng kể.

Tăng xanh, giảm thải

Nhiều năm nay, ngành công nghiệp giấy đã rất nỗ lực trồng rừng và sử dụng nguồn gỗ được các tổ chức phi chính phủ như Hội đồng quản lý rừng FSC cấp giấy chứng nhận. Tuy rừng trồng lại nhiều hơn rừng khai thác nhưng rừng trồng trên thực tế chỉ có thể được xem là những đồn điền quy mô rộng, không giữ được những giá trị đa dạng sinh học như rừng tự nhiên. Trái với cây cối có thể trồng lại được, hệ sinh thái của rừng tự nhiên là kết quả của quá trình tiến hóa hằng trăm ngàn, thậm chí hằng triệu năm, không thể dễ dàng khôi phục trong một sớm một chiều.

Ở Bắc Mỹ, rừng tự nhiên đã giảm từ 72 triệu hecta năm 1953  xuống còn 33 triệu hecta năm 1999, gây những tổn thất lớn về mặt sinh thái dù rừng trồng để sản xuất đã tăng từ 2 triệu hecta lên 32 triệu hecta và dự kiến sẽ đạt 54 triệu hecta vào năm 2040. Tăng cường tái sử dụng xơ sợi, tái chế giấy có thể giúp làm giảm áp lực chuyển đổi rừng tự nhiên còn lại thành các đồn điền.

Ngoài ra, giảm tần suất chặt hạ gỗ sẽ giúp rừng bảo toàn được lượng carbon tồn trữ. Việc tái chế giấy sẽ tiết kiệm được lượng carbon thải ra bên ngoài bằng cách sử dụng chúng nhiều lần, thay vì để chúng phân hủy trong các bãi chôn lấp và tạo ra khí nhà kính.

Lợi ích kinh tế

Lợi ích kinh tế của việc tái chế giấy ngày càng tăng khi công nghệ sản xuất hiện được cải tiến và hoàn thiện hơn. Xơ sợi tái chế dùng để sản xuất giấy làm bao bì, giấy in báo, giấy tissue và chiếm một tỷ lệ ngày càng cao trong pha trộn với bột nguyên thủy để sản xuất giấy cao cấp.

 Năm 2007, hãng PNM của Đức đã tái chế gần 100.000 tấn (từ 500 triệu vỏ bao bì đã qua sử dụng). Các “nhà vô địch” khác về tái chế có thể kể đến như Corenso Varkaus (Phần Lan), Klabin Pirancicaba (Brazil), Stora Enso Barcelona (Tây Ban Nha)… Tái chế giấy đang được nhiều quốc gia trên thế giới đầu tư mạnh.

Tiên phong trong lĩnh vực này ở Việt Nam là tập đoàn Tetra Pak (chuyên về sản xuất bao bì thực phẩm). Tại hội thảo về tái chế bao bì do Hiệp hội giấy VN và Tetra Pak tổ chức gần đây, các doanh nghiệp tỏ ra rất quan tâm đến việc kinh doanh các sản phẩm từ tái chế. Hiện nay, tỷ lệ giấy đã qua sử dụng ở Việt Nam thuộc loại thấp nhất khu vực (25%) và điều kiện phát triển dành cho ngành tái chế giấy và bao bì giấy vẫn chưa được tạo nhiều thuận lợi.