Từ năm 2022, không thu gom chất thải chưa phân loại
Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 quy định, phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Trường hợp không phân loại, không sử dụng đúng bao bì quy định bị phạt tiền, bị từ chối thu gom chất thải.
Phân loại CTRSH tại nguồn là việc làm đem lại lợi ích lớn về kinh tế, môi trường cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động này chưa đi vào đời sống của đa số người dân.
* Tỷ lệ hộ dân thực hiện chưa cao
Được triển khai từ năm 2008, đến nay việc phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn Đồng Nai chưa được nhiều tổ chức, cá nhân hưởng ứng. Thậm chí, nhiều hộ gia đình chưa ký hợp đồng thu gom chất thải tập trung.
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, tính đến cuối tháng 6-2021, có hơn 205 ngàn/215 ngàn hộ dân của thành phố đăng ký thu gom rác thải, đạt tỷ lệ 95%. Mặc dù thành phố đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhiều lần, bằng nhiều hình thức nhưng vẫn còn khoảng 10 ngàn hộ gia đình chưa đăng ký thu gom chất thải tập trung. Việc tự xử lý chất thải sinh hoạt bằng hình thức chôn, đốt hoặc thải ra môi trường ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thu gom chất thải và giữ gìn mỹ quan đô thị. Phân loại CTRSH thời gian gần đây có chuyển biến ở các cơ quan nhà nước, chợ, trường học, doanh nghiệp, tuy nhiên đa số người dân chưa thực hiện.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Phó trưởng phòng TN-MT H.Vĩnh Cửu cho biết, năm 2020, tỷ lệ hộ gia đình đăng ký thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn của huyện đạt khá cao (90%) nhưng do phương tiện, thiết bị thu gom chất thải không đảm bảo nên kết quả chưa được như kỳ vọng.
“Huyện có 23 điểm tập kết chất thải, nhưng chỉ 5 điểm xây dựng kiên cố. 12 xã, thị trấn thành lập tổ, đội thu gom chất thải, nhưng phương tiện thô sơ. Ngân sách huyện không đủ hỗ trợ trang bị thùng rác, tuyên truyền phân loại chất thải, xây dựng điểm tập kết nên hiệu quả còn thấp. Nhiều hộ gia đình khu vực nông thôn tự xử lý chất thải” - ông Bình chia sẻ.
Theo Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Trọng Toàn, hiện có gần 90% CTRSH trên địa bàn tỉnh được thu gom đưa về các khu xử lý tập trung. Hơn 10% còn lại chủ yếu ở khu vực nông thôn chưa có tuyến thu gom nên người dân tự xử lý theo hướng dẫn. Về phân loại CTRSH tại nguồn, hiện các địa phương đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai đến từng hộ gia đình, nhưng tỷ lệ đăng ký thực hiện và phân loại chất thải chưa cao. Nguyên nhân do phương tiện thu gom chất thải chưa đảm bảo, nhiều địa phương thiếu điểm tập kết rác thải, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường còn thấp. Còn tình trạng hộ dân không đăng ký thu gom chất thải tập trung, xả chất thải không đúng nơi quy định.
* Bắt buộc thực hiện từ năm 2022
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực từ ngày 1-1-2022, cơ sở thu gom, vận chuyển có quyền từ chối thu gom, vận chuyển CTRSH của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng đúng bao bì quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Cá nhân, hộ gia đình phải có trách nhiệm phân loại, chuyển chất thải đã phân loại đến các địa điểm tập kết hoặc chuyển giao cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH.
Tại các thành phố, hộ gia đình, cá nhân phải chứa, đựng CTRSH sau khi phân loại thành các bao bì và chuyển giao theo từng nhóm. Hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phải thực hiện phân loại, chuyển giao chất thải theo từng nhóm. Khuyến khích tận dụng chất thải thực phẩm làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.
Theo ngành TN-MT, CTRSH phát sinh từ cá nhân, hộ gia đình có thể phân loại thành 3 nhóm: chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (loại người dân có thể sử dụng lại hoặc bán cho các cơ sở thu gom, tái chế phế liệu); chất thải thực phẩm có thể tận dụng làm thức ăn cho vật nuôi hoặc ủ phân hữu cơ tại nhà; CTRSH khác (như: chất thải xây dựng, đồ thủy tinh vỡ). Như vậy, người dân vừa có nguồn thu từ việc bán chất thải, vừa tiết kiệm được phí thu gom chất thải khi tỉnh áp dụng thu phí thu gom CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải.
Về mặt môi trường, phân loại chất thải sinh hoạt theo nhóm sẽ làm giảm quá trình phân hủy chất thải, giảm mùi hôi, bảo vệ môi trường sống. Bên cạnh đó, hoạt động này giúp tiết kiệm chi phí ngân sách nhà nước để xử lý CTRSH, giảm diện tích chôn lấp, thu hồi vật liệu, thu hồi năng lượng, tạo nguyên liệu làm phân compost, tiết kiệm tài nguyên và hạn chế ô nhiễm môi trường từ quá trình xử lý chất thải.
Lãnh đạo TP.Biên Hòa cho biết, thành phố đã triển khai kế hoạch phân loại rác tại nguồn năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 đến từng khu phố. Mục tiêu đến cuối năm nay, 80% cá nhân và hộ gia đình thực hiện phân loại rác tại nguồn; đến cuối năm 2022, tỷ lệ này là 100%. Hiện tại, hầu hết các chợ, cơ quan thuộc thành phố, trường học đồng loạt trang bị thùng rác để phân loại. Qua dịch bệnh, thành phố sẽ đẩy mạnh tuyên truyền người dân đăng ký thu gom, thực hiện phân loại CTRSH. 2 tổ công tác liên ngành của thành phố và 30 tổ ở các phường, xã sẽ tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt trường hợp bỏ chất thải không đúng nơi quy định.
Nguồn: Báo Đồng Nai