Thông tin nhanh về biến động giá giấy

Nguồn: VPPA

giay-bao-bi

Theo ghi nhận của VPPA, do ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc và quốc tế, hiện nay các loại giấy thu hồi (RCP) làm nguyên liệu sản xuất giấy và giấy cuộn thành phẩm trong nước đều đã bắt đầu tăng giá. Dự kiến giá sẽ tiếp tục tăng cao hơn khi thị trường Trung Quốc hồi phục sau dịch bệnh.

Sau những ngày dài bị ngưng trệ do dịch bệnh Covid – 19, thị trường giấy Trung Quốc đang có những biến động khá mạnh và rõ cả trong nhập khẩu và xuất khẩu.

Cụ thể, Trung Quốc đang và sẽ thiếu hụt nghiêm trọng giấy thu hồi (RCP) làm nguyên liệu sản xuất khi trong nước không có người thu gom, các trạm ép đóng cửa và thiếu phương tiện vận chuyển do thiếu tài xế, cùng với việc khoanh vùng ngăn chặn dịch bệnh lây lan của chính phủ, trong khi hàng nhập khẩu cũng bị ứ đọng tại các cảng biển do ảnh hưởng của dịch bệnh; Rất nhiều nhà máy giấy tại Trung Quốc chỉ đủ nguyên liệu chạy đến hết tháng 2/2020. Đồng thời, dịch bệnh cũng đã làm cho chi phí vận chuyển (Logistic) nội địa tăng cao hơn hai lần so với thời điểm trước dịch bệnh, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển nguyên liệu, thành phẩm của các nhà máy giấy.

Thêm vào đó, tại thời điểm hiện nay, nguồn giấy thu hồi (RCP) nhập khẩu từ Châu Âu và Mỹ sẽ phải chịu thêm chi phí khoảng 30 USD/tấn, do phải trả thêm phụ phí cao điểm dao động khoảng 250 USD/cont và phí trả container rỗng khoảng 500 USD/cont (vì không có nhiều tàu). Giá giấy EOCC95/5 trước đây khoảng 85 – 95 USD/tấn, nay lên khoảng 120 – 130 USD/ tấn; Giá AOCC11 của Mỹ hiện nay khoảng 145 USD/ tấn; Chưa kể việc tăng giá còn là để đảm bảo ổn định việc thu gom, phân loại RCP đã giảm mạnh thời gian qua, do giá xuống quá thấp dưới cả chi phí giá thành. Cũng chính vì giá RCP tăng đột biến, nên rất nhiều nhà cung cấp RCP cho thị trường Việt Nam cũng đã huỷ hợp đồng, đơn hàng đã ký, ngay cả khi LC đã được mở.

Cộng hưởng các yếu tố trên, nên tại Trung Quốc, dù các nhà máy giấy ngoài vùng tâm dịch đã được phép hoạt động trở lại, nhưng do thiếu nguyên liệu và nhân công nên hoạt động cầm chừng, cùng với giá nguyên liệu tăng cao, đã làm tăng chi phí giá thành sản xuất, cũng như không có đủ hàng hóa đáp ứng nhu cầu giấy của thị trường đang bắt đầu tăng lên. Điều này đã gây nên tình trạng thiếu hụt giấy thành phẩm, đẩy giá cả lên cao tại thị trường Trung Quốc trong những ngày gần đây và sẽ còn kéo dài, theo dự báo có thể tới tháng 06/2020.

Do đó, trong thời gian tới, nhiều loại giấy xuất khẩu của Trung Quốc sẽ sụt giảm, trong khi nhu cầu nhập khẩu giấy, đặc biệt là giấy bao bì của Trung Quốc sẽ tăng nhanh. Cùng với đó, hai nguồn xuất khẩu giấy lớn khác là Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang đối mặt với nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát. Chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường giấy quốc tế, nhất là với các nước Asean trong đó có Việt nam. Trong tuần qua, đã có nhiều đơn đặt hàng mua giấy xuất đi Trung Quốc với giá tăng thêm 20 – 30 USD/tấn so với giá trước tết Nguyên Đán.

Theo đánh giá của các chuyên gia việc giá tăng như trên chưa phải là đỉnh điểm. Dự báo giá giấy sẽ tiếp tục tăng trong khoảng 20 – 30 ngày tới, khi thị trường Trung Quốc bắt đầu phục hồi sau dịch, các dịch vụ thương mại trở lại hoạt động. Chính lúc này, cuộc khủng hoảng nguyên liệu ở Trung Quốc sẽ bộc lộ rõ nhất và dự kiến có thể kéo dài nhiều tháng. Tại thị trường Việt Nam, dự kiến giá giấy bao bì sẽ tăng khoảng 500 – 1.000 đ/kg trong 2-3 tháng tới. Tuy nhiên, điều này sẽ ít tác động đến thị trường bao bì trong nước do giá giấy bao bì thời gian qua đã hạ xuống mức “đáy” khá lâu.

Trước thực tế trên, các chuyên gia khuyến cáo đến các nhà máy giấy Việt Nam cần theo dõi các hoạt động phòng chống dịch của Trung Quốc và nước ta cũng như thế giới. Theo dõi diễn biến thị trường Trung Quốc và trong nước để duy trì sản xuất và điều chỉnh giá bán hợp lý, đồng thời cần đảm bảo cung ứng ổn định cho nhu cầu giấy trong nước; Hết sức tránh không để xảy ra tình trạng thiếu hụt như giai đoạn cuối năm 2017, đầu năm 2018. Trao đổi nhanh với chúng tôi, nhiều đại diện nhà máy giấy Việt Nam cho biết họ vẫn đang giữ giá bán giấy ổn định, đồng thời sẽ đảm bảo cung ứng đầy đủ cho các khách hàng chiến lược của mình, góp phần hỗ trợ kinh tế trong nước vượt qua khó khăn do đại dịch Covid 19 gây ra.