Nguyên liệu ngành công nghiệp giấy: Triển vọng từ những giống mới, năng suất cao

VPPA-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Quyết định số 1734/QĐ-BNN-TCLN công nhận giống cây trồng lâm nghiệp cho 3 giống bạch đàn Urophyla do Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy (Bộ Công Thương) nghiên cứu chọn tạo gồm: Dòng TC2, dòng E15 và dòng E28.

Đây là sự ghi nhận cho những nỗ lực nghiên cứu của Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy thông qua việc triển khai nhiệm vụ “Nghiên cứu chọn giống bạch đàn và keo phục vụ ngành công nghiệp giấy”, được Bộ Công Thương phê duyệt kinh phí thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020, với mục tiêu chính là tuyển chọn được ít nhất 1 giống trên 1 loài có năng suất cao (tăng ít nhất 10% so với giống cũ) và hàm lượng xenlulô đạt tiêu chuẩn gỗ nguyên liệu giấy.

Thạc sĩ Hoàng Ngọc Hải, chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết: muốn kinh doanh cây nguyên liệu giấy đạt hiệu quả cao thì giống là nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây gỗ. Chọn tạo giống là biện pháp rất quan trọng để đạt năng suất cao. Với các chương trình trồng rừng, muốn đạt thành công thì việc đầu tiên không thể thiếu là chọn giống cây trồng thích hợp.

Để có được giống cây tốt cho trồng rừng, ngoài tuyển chọn các giống thích hợp, thì việc nghiên cứu tạo ra những giống mới có các đặc tính mong muốn và các biện pháp nhân giống, sản xuất các giống đó với số lượng lớn đáp ứng nhu cầu trồng rừng là rất cần thiết.

giay

“Thực tế cho thấy, năng suất rừng nguyên liệu giấy ở nước ta hiện nay vẫn còn thấp so với các nước khác, chất lượng rừng cũng không được cao. Điều này, làm giảm hiệu quả kinh tế kinh doanh rừng trồng nguyên liệu giấy. Vì vậy, cần thêm nghiên cứu về giống cây trồng, đáp ứng nhu cầu tăng năng suất và chát lượng, mở rộng vùng trồng cây nguyên liệu giấy” – Thạc sĩ Hoàng Ngọc Hải nhấn mạnh.

Theo Thạc sĩ Hoàng Ngọc Hải: Khảo nghiệm loài, xuất xứ là những bước khởi đầu rất quan trọng của bất kỳ một chương trình nghiên cứu chọn tạo giống cây lâm nghiệp để đánh giá khả năng thích ứng, sinh trưởng và phát triển của các loài và xuất xứ trong điều kiện tự nhiên của vùng dự kiến trồng rừng, chọn được các loài có triển vọng trên các dạng lập địa thích hợp để phục vụ các bước nghiên cứu cải tạo giống tiếp theo và giới thiệu cho trồng rừng sản xuất.

Công tác chọn tạo giống cây nguyên liệu giấy đã được Viện Nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy triển khai mạnh mẽ nhằm cung cấp giống cây nguyên liệu phục vụ các nhà máy sản xuất bột giấy. Một số dòng vô tính đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống quốc gia hoặc giống tiến bộ kỹ thuật như các dòng bạch đàn PN2, PN14, PN10, PN46, PN47, PN3d, PN54, PN116, PN24, PN108, PNCT3, PNCT và một số dòng keo lai KL2, Kl20 và KLTA3.

Tuy nhiên, để có một số lượng giống cây nguyên liệu giấy đủ đảm bảo an toàn đa dạng di truyền vẫn rất cần phải tiếp tục chọn tuyển thêm nhiều cây trội, nguồn giống tốt và trồng rừng khảo nghiệm để bổ sung thêm những giống có năng suất, chất lượng cao hơn và bền vững hơn.

Theo đó, thông qua việc triển khai nhiệm vụ “Nghiên cứu chọn giống bạch đàn và keo phục vụ ngành công nghiệp giấy” từ năm 2016-2020, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành từ khâu chọn lọc giống, trồng rừng khảo nghiệm, qua nghiên cứu đã chọn được 3 dòng bạch đàn và xuất xứ keo tai tượng để tiến tới công nhận giống, phục vụ trồng rừng nguyên liệu giấy trong những năm tiếp theo. Những giống mới được chọn lọc đã chứng minh năng suất tăng ít nhất từ 10% – 30% so với giống đối chứng và hàm lượng xenlulô đạt tiêu chuẩn gỗ nguyên liệu giấy.

Cụ thể, qua khảo nghiệm tại huyện Lục Nam, Bắc Giang đã tuyển chọn được 1 giống keo tai tượng có xuất xứ hạt từ cây trội vườn giống Trảng Bom (CT.VGTrB) có thể tích thân cây, cũng như năng suất gỗ vượt so với đối chứng (HH.RGQB) đến 55,6%, vượt trung bình 32,3% so các xuất xứ còn lại trong khảo nghiệm. Bên cạnh đó, tuyển chọn được 1 dòng bạch đàn TC2 mới chọn lọc cho sinh trưởng, năng suất vượt đối chứng 30%, đạt được tỷ trọng gỗ, kích thước xơ sợi và hàm lượng xenlulô có hàm hượng bột giấy đạt yêu cầu.

Nội dung khảo nghiệm tại tỉnh Bình Dương và tỉnh Quảng Trị đã tuyển chọn được giống keo tai tượng có xuất xứ Pongaky – Australia, xuất xứ từ rừng giống Đông Hà, Quảng Trị và xuất xứ từ vườn giống Ba Vì cũng rất triển vọng. Cùng với đó, là các giống bạch đàn có dòng PNCT3 và PNCTIV của Viện nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy và một số giống bạch đàn mới chọn lọc như: E15, E28 và QY23, GR3, NC3 năng suất rất khá cao.

Riêng đối với 3 dòng bạch đàn Urophyla mới chọn lọc: TC2, E15 và E28 đều sinh trưởng tốt ở tất cả các điểm khảo nghiệm. Đây cũng là các giống vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống cây trồng lâm nghiệp. Theo đó, Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy chịu trách nhiệm lưu giữ mẫu giống; phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật gây trồng đối với 3 giống được công nhận này. Đồng thời, Tổng cục Lâm nghiệp, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với các đơn vị liên quan đưa giống mới được công nhận vào sản xuất ở những nơi có điều kiện tương tự nơi khảo nghiệm.

Thạc sĩ Hoàng Ngọc Hải chia sẻ thêm, để đạt được mục tiêu nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu đã kế thừa các kết quả nghiên cứu và sử dụng các vật liệu di truyền của Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, các vật liệu cây trội của Viện nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy đã chọn tạo trước đây, ngoài ra trồng thêm một số giống bạch đàn từ Trung Quốc để khảo nghiệm nhằm chọn ra các giống có khả năng thích nghi, sinh trưởng nhanh, đáp ứng tiêu chuẩn xenlulô phù hợp cho trồng rừng nguyên liệu giấy ở các vùng sinh thái như Đông Bắc bộ, Đông Nam bộ và vùng Trung bộ.

Theo Công Thương