Ngành giấy trước tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
Nguồn: Theo Thời báo Tài chính
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, cùng với nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia có hiệu lực, những tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang đặt ra cả cơ hội và thách thức cho ngành giấy Việt Nam.
Đây cũng là chủ đề cuộc trao đổi của TS. Đặng Văn Sơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam với phóng viên TBTCVN.
PV: Xin ông cho biết, đâu là điểm hạn chế của ngành giấy Việt Nam hiện nay?
TS. Đặng Văn Sơn: Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng đầu về dăm gỗ (sản xuất bột giấy) khoảng 11 triệu tấn/năm 2018, nhưng lại nhập khẩu gần 0,4 triệu tấn bột giấy/năm (chiếm tỷ trọng đến 68% tiêu dùng), trong khi giá dăm gỗ xuất khẩu vào khoảng 120 USD/tấn, giá bột giấy nhập khẩu trên 800 USD/tấn.
Cùng với đó, nguyên liệu cho sản xuất giấy từ giấy thu hồi (phế liệu giấy) có vai trò rất quan trọng trong sản xuất giấy bao bì: năm 2018 nhu cầu sử dụng là 3,71 triệu tấn, năm 2019 dự kiến là 4,5 triệu tấn và đến năm 2030 khoảng 11 triệu tấn. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom trong nước chỉ đạt khoảng 40%, còn lại 60% phải nhập khẩu. Nguyên nhân do chưa có cơ chế chính sách cho hoạt động thu gom tái chế, trong khi đó tại các nước như Nhật Bản, coi phế liệu giấy là tài nguyên quốc gia và tỷ lệ thu gom trong nước đạt trên 82%, tỷ lệ thu gom trung bình của thế giới là 59% năm 2018.
Nhìn chung, doanh nghiệp giấy Việt Nam có quy mô công suất sản xuất nhỏ, chủ yếu dưới 30.000 tấn/năm, đầu tư manh mún, không tập trung, công nghệ, thiết bị cũ, chi phí vận hành cao, chất lượng sản phẩm thấp, không ổn định, khả năng cạnh tranh kém so với doanh nghiệp FDI và hàng nhập khẩu.
Trong đó, cơ cấu sản phẩm giấy theo năng lực sản xuất không cân đối với nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước chủ yếu tập trung vào giấy làm bao bì hòm và hộp carton chiếm tỷ trọng đến 87%, trong khi đó đối với giấy bao bì cấp cao tráng phủ, giấy copy cấp cao, giấy in tráng phủ, các loại giấy đặc biệt chưa sản xuất được, hàng năm vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn trên 1,3 triệu tấn.
Ngoài ra, cơ cấu năng lực sản xuất theo khu vực cũng mất tính cân đối, chưa phù hợp với đặc tính của từng sản phẩm, chưa thuận lợi về vùng nguyên liệu, liên kết đầu ra và đầu vào, điều kiện tự nhiên, vị trí giao thông thuận lợi.
PV: Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, đặc biệt Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ông có thể đánh giá cơ hội và thách thức cho ngành giấy?
TS. Đặng Văn Sơn: Ngành giấy là ngành phụ trợ cho các sản phẩm của ngành hàng khác như điện thoại, điện tử, điện lạnh, may mặc, giày da, nông lâm thuỷ sản, đồ uống… bằng cung cấp các bao bì giấy, tem và nhãn bằng giấy, sách và tờ hướng dẫn sản phẩm, nên sẽ có một số cơ hội.
Cụ thể, giúp tăng cơ hội về xuất khẩu giấy trực tiếp sang các thị trường mới đối với giấy làm bao bì, giấy tissue. Do chi phí nhân công Việt Nam còn thấp, mở rộng cơ hội lớn nhất về xuất khẩu các sản phẩm từ giấy như các loại bao bì giấy, vở, sổ, biểu mẫu, tem và nhãn bằng giấy, khăn giấy ăn, giấy vệ sinh…
Đồng thời, giúp tăng trưởng tiêu dùng bao bì giấy nội địa và phụ trợ cho các ngành hàng có dư địa xuất khẩu tăng trưởng mạnh do hiệp định mới mang lại. Tăng cơ hội cho các doanh nghiệp giấy mở rộng về quy mô sản xuất, đầu tư mới với quy mô lớn và công nghệ hiện đại, đầu tư vào sản xuất giấy bao bì tráng phủ làm bao bì hộp gấp cao cấp cho ngành mỹ phẩm, điện tử thông minh và linh phụ kiện, dược phẩm, thực phẩm cao cấp và chế biến sâu, đồ uống….
Bên cạnh những cơ hội cho ngành giấy, vẫn còn không ít thách thức, như sự dịch chuyển của các doanh nghiệp FDI từ các nước trong khu vực, nếu không kiểm soát tốt sẽ có gian lận về xuất xứ và mượn xuất xứ để hưởng thuế ưu đãi đối với xuất khẩu và thuế VAT với sản xuất tiêu thụ thị trường Việt Nam.
Hiện doanh nghiệp giấy Việt Nam có quy mô nhỏ, chất lượng sản phẩm thấp… khó cạnh tranh với doanh nghiệp FDI và hàng nhập khẩu, đặc biệt là bao bì giấy cho hàng hoá xuất khẩu, giấy viết cho sản xuất và gia công vở, sổ, biểu mẫu xuất khẩu.
PV: Được biết, ngành giấy có quan hệ xuất – nhập khẩu lớn từ thị trường Trung Quốc, vậy cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung tác động như thế nào tới ngành giấy, thưa ông?
TS. Đặng Văn Sơn: Mới đây, Mỹ áp thuế suất thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% đối với gói hàng hoá trị giá 300 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó giấy và bột giấy qua lại giữa hai bên là 6,4 tỷ USD (Mỹ xuất vào Trung Quốc 3,9 tỷ USD, Trung Quốc xuất vào Mỹ 2,5 tỷ USD) sẽ mở ra một số cơ hội và thách thức cho ngành giấy của Việt Nam.
Về cơ hội, Việt Nam có cơ hội mở rộng xuất khẩu giấy và sản phẩm từ giấy vào thị trường Mỹ thay thế một phần của Trung Quốc. Sự dịch chuyển của các doanh nghiệp từ Trung Quốc sang các nước châu Á, trong đó có Việt Nam sẽ giúp tăng trưởng tiêu dùng nội địa đối với giấy in, viết, giấy tissue, giấy bao bì sử dụng sản xuất, gia công để xuất khẩu. Ngoài ra, thời điểm đồng Nhân dân tệ xuống thấp cũng là cơ hội để các nhà máy mua thiết bị, máy móc với giá rẻ hơn.
Tuy nhiên bên cạnh cơ hội, ngành giấy cũng gặp nhiều thách thức, Việt Nam có thể là nước thứ ba xuất khẩu giấy và sản phẩm từ giấy cho Trung Quốc vào thị trường Mỹ, EU, CPTPP. Đồng thời, một số loại giấy từ Trung Quốc, Indonesia sẽ tăng xuất khẩu vào Việt Nam như giấy đặc chủng, giấy tráng phủ…, đặc biệt là giấy in, viết và giấy tissue.
Trong khi đó, triển vọng xuất khẩu giấy làm bao bì vào thị trường Trung Quốc không như kỳ vọng, hay nói cách khác là sẽ khó khăn hơn. Lượng giấy tồn kho trong nước đang lên cao, gây ra cạnh tranh về giá bán với doanh nghiệp FDI và hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cùng với các quốc gia khác trong khu vực.
PV: Xin cảm ơn ông!