Ngành giấy là ngành công nghiệp xanh

Nguồn: VCCInews

ong-Hoang-Trung-Son

Ông Hoàng Trung Sơn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy Đồng Tiến Bình Dương, Phó chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA).

Đó là khẳng định của ông Hoàng Trung Sơn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy Đồng Tiến Bình Dương, Phó chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA)

PV: Thưa ông, xin ông cho biết tình hình hoạt động của Công ty Giấy Đồng Tiến cũng như những nhận định của ông về thị trường ngành giấy Việt Nam hiện nay?

Trong năm 2018, kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty Giấy Đồng Tiến cũng khá khả quan, trong bối cảnh tình hình phát triển thuận lợi của ngành giấy Việt Nam nói chung. Duy chỉ có một trở ngại vào cuối năm 2018, đó là do ảnh hưởng bởi thông tư 08 và 09 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường ban hành về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu giấy nhập khẩu. Mặc dù đã được UBND tỉnh và các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, nhưng việc này cũng đã khiến công ty  bị phát sinh chi phí lưu containers và lưu bãi tại cảng hơn 16 tỷ đồng (tương đương gần 20% vốn điều lệ của công ty).

Bước vào năm 2019, ngành giấy và các doanh nghiệp giấy bao bì Việt Nam đã nhận được tin vui, khi hàng chục ngàn container giấy thu hồi nhập khẩu làm nguyên liệu chính sản xuất giấy bao bì đã được giải tỏa sau nhiều tháng bị lưu giữ tại các cảng biển, giúp cho các doanh nghiệp ngành giấy nhanh chóng phục hồi sản xuất. Nhưng, niềm vui chưa được bao lâu thì cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung lại nổ ra, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế hai nước và thế giới. Cộng hưởng với tình trạng cung vượt cầu về giấy bao bì đã, đang và sẽ diễn ra nhanh chóng tại thị trường Việt nam đã tạo nên áp lực cạnh tranh vô cùng lớn cho các doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì Việt nam.

Hiện nay, nhu cầu giấy và giấy bao bì tại thị trường Trung Quốc đã sụt giảm rõ rệt. Trong khi đó, ở trong nước, từ năm 2018 đến nay năng lực sản xuất của các doanh nghiệp cũng không ngừng tăng. Theo ước tính của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, năng lực sản xuất đã tăng thêm đến gần 1 triệu tấn/năm. Nguồn cung dư cộng với việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm nhanh là một thách thức không hề nhỏ đối với các doanh nghiệp ngành giấy tại Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dự báo trong 6 tháng tới sẽ có nhiều  khó khăn hơn cho các doanh nghiệp ngành giấy khi áp lực cạnh tranh gia tăng, khiến giá giấy thành phẩm sẽ giảm sâu hơn nữa.

PV: Những khó khăn của ngành giấy Viêt Nam có phải do quá phụ thuộc vào một vài thị trường lớn, thưa ông?

Đó chỉ là một khía cạnh. Theo tôi, nguyên nhân chính là do ngành giấy Việt Nam hiện đang có rất nhiều bất cập, cả về quy mô, cơ cấu sản phẩm, lẫn thị trường. Nguồn cung giấy tại Việt Nam hiện dư đối với loại này, nhưng lại thiếu đối với loại giấy khác. Năm 2018, nước ta nhập khẩu tới hơn 2 triệu tấn giấy gồm: giấy bao bì chất lượng cao (tráng phấn), giấy in báo, thậm chí cả giấy photocopy chất lượng cao và giấy vệ sinh, nhưng lại dư cung khá lớn đối với giấy bao bì thông thường. Và mặc dù sản lượng giấy bao bì thông thường đang dư, nhưng số lượng dư án đã được cấp phép đầu tư hiện vẫn còn rất lớn, lên đến cả triệu tấn, cho nên tình trạng cung vượt cầu sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới. Việc nhiều nhà đầu tư vào ngành giấy có thể sẽ là dịp giúp thanh lọc doanh nghiệp yêu kém, nhưng cũng sẽ gây lãng phí nguồn lực doanh nghiệp và nguồn lực xã hội .

Trên phương diện khác, ngành giấy Việt Nam cũng đang bị lấn át bởi các doanh nghiệp FDI. Trong năm năm tới nếu không có những chính sách thay đổi đặc biệt, thì các doanh nghiệp FDI có thể sẽ chiếm 70% thị phần bao bì giấy Việt Nam, khi đó cuộc chơi thật sự của ngành giấy Việt Nam sẽ thuộc về các doanh nghiệp ngoại (FDI).

Theo ông Hoàng Trung Sơn, lâu nay ngành giấy bị xã hội “phân biệt đối xử”, bởi bị xem là ngành ô nhiễm, mà nguyên do một phần là vì một số ít doanh nghiệp ngành giấy không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường. Trong khi đó, nếu hiểu đúng, ngành giấy là ngành công nghiệp xanh, công nghiệp tuần hoàn, vì nguồn nguyên liệu chính có thể tái tạo đươc bằng cách trồng rừng, sản phẩm giấy đã qua sử dụng được thu gom và có thể tái chế 100%, bản thân sản phẩm từ giấy cũng dễ phân huỷ trong môi trường tự nhiên.

PV: Trong cuộc cạnh tranh không cân sức đó, lẽ nào không có cơ hội nào cho doanh nghiệp trong nước vươn lên, thưa ông?

Đây là một vấn đề lớn. Trong những năm qua, với tư cách là Phó chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, tôi đã tham gia cùng với Ban chấp hành Hiệp hội xây dựng kế hoạch định hướng phát triển 5 năm 2021- 2025 và tầm nhìn đến năm 2045 cho ngành giấy Việt Nam. Tất cả những khó khăn, thách thức và cơ hội của ngành giấy VN đã và đang được chúng tôi cập nhật và thảo luận rất kỹ. Nhưng, muốn tìm được hướng đi đúng cho ngành, đòi hỏi phải có những phân tích kỹ lưỡng về thực trạng ngành, xem doanh nghiệp chúng ta mạnh – yếu ở những điểm nào; cũng như cần đánh giá lại tình hình thị trường, các cơ hội và thách thức, … mới có thể định hướng, đề xuất phương thức phát triển phù hợp với từng cụm/nhóm doanh nghiệp lớn, nhỏ, mạnh, yếu khác nhau.

Bên cạnh đó, theo tôi, để ngành giấy Việt Nam phát triển bền vững, chúng ta thực sự phải cần có một cuộc cách mạng. Bởi ngành giấy Việt Nam đang ở trong điều kiện môi trường không thực sự thuận lợi, quan niệm của xã hội đang coi đây là ngành gây ô nhiễm. Trong khi đó, nếu hiểu đúng thì ngành giấy là ngành công nghiệp xanh, công nghiệp tuần hoàn, vì nguồn nguyên liệu chính có thể tái tạo được bằng cách trồng rừng, sản phẩm giấy có thể được thu gom và tái chế 100%, bản thân sản phẩm giấy cũng rất dễ phân huỷ trong môi trường tự nhiên, …

PV: Được biết ông là một người yêu ngành giấy và có khát vọng xây dưng thương hiệu Giấy Đồng Tiến có chiều sâu?

Như bác Hồ đã nói “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Với tôi, bao giờ cũng vậy, muốn phát triển doanh nghiệp đạt mục tiêu phải có tầm nhìn và chiến lược dài hạn,  xuyên suốt. Ở Giấy Đồng Tiến, từ nhiều năm qua, chúng tôi vẫn luôn nỗ lực củng cố và phát huy năng lực của mình như: tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ nhân viên có kiến thức chuyên môn, kỹ năng cao, tinh thần làm việc tốt, gắn bó lâu dài với công ty để tạo nên nguồn tài sản vô hình và là nền tảng phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Trên nền tảng ấy, chúng tôi đã và sẽ đầu tư tài chính hợp lý để theo đuổi các chương trình tự động hoá, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, giảm chi phí, triệt tiêu lãng phí song vẫn luôn bảo vệ tốt môi trường, ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều năm nay chúng tôi đã kiên trì với hướng đi đó và chỉ có như thế mới hy vọng đạt mục tiêu mà chúng tôi đã đề ra vào năm 2025.

PV: Mục tiêu mà ông muốn nói đến cụ thể là gì, thưa ông?

Tôi mong muốn và đặt mục tiêu đưa giấy Đồng Tiến trở thành doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, nằm trong top đầu của các doanh nghiệp ngành giấy Việt Nam vào năm 2025, là doanh nghiệp có môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện, người lao động xem công ty như là mái nhà thứ hai của mình.

PV: Xin cảm ơn ông! Chúc ngành giấy Việt Nam và Công ty Đồng Tiến sớm đạt mục tiêu đề ra!