Malaysia áp dụng quy định mới nhập khẩu RCP

VPPA-Cơ quan chứng nhận quốc gia Malaysia, SIRIM vừa thông báo, từ ngày 1/9, chính phủ Malaysia sẽ áp dụng quy định mới về nhập khẩu giấy thu hồi (RCP), trong đó sẽ thực hiện cấm nhập khẩu giấy loại hỗn hợp (mixed paper) và tiến hành kiểm tra trước và sau khi giao hàng đối với các loại giấy khác.

1-19

SIRIM đã cấp phép cho một số tổ chức chứng nhận quốc tế thực hiện việc kiểm tra RCP trước khi giao hàng tại các quốc gia có xuất xứ RCP, trong đó có cả Công ty Chứng nhận và Kiểm tra Trung Quốc (CCIC).

Trước khi Trung Quốc thực hiện hoàn toàn cấm nhập khẩu RCP vào đầu năm 2020, nước này đã thắt chặt các quy định nhập khẩu và CCIC được phép kiểm tra RCP xuất khẩu trên toàn thế giới trước khi chúng được nhập khẩu vào Trung Quốc.

Bản dự thảo hướng dẫn các quy định nhập khẩu mới đã được cơ quan quản lý Malaysia công bố từ tháng 2/2021, trên cơ các ý kiến của các chuyên gia và phản hồi từ các nhà sản xuất trong ngành giấy của nước này.

Viện Công nghiệp Tái chế Phế liệu (ISRI) của Mỹ đã phản hồi về quy định mới này của Malaysia, lo ngại về lệnh cấm nhập khẩu giấy loại hỗn hợp và thắc mắc về về sự cần thiết của hai đợt kiểm tra trước và sau đối với RCP sẽ gây tốn kém chi phí và thời gian của các doanh nghiệp.

Thời gian gần đây, khối lượng giấy loại hỗn hợp nhập khẩu tại Malaysia, Indonesia và Thái Lan tăng cao do giá các loại giấy màu nâu ngày càng đắt đỏ trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu suy giảm.

Trong khi đó, chất lượng giấy hỗn hợp xuất khẩu từ châu Âu và Mỹ sang khu vực này đã được cải thiện, với mức tạp chất cho phép không quá 5%. Sau lệnh cấm nhập khẩu RCP từ năm 2020 tại Trung Quốc, nhiều công ty lớn của Trung Quốc, như Nine Dragons Paper (Holdings) và Lee & Man Paper Manufacturing đã đẩy mạnh đầu tư sản xuất giấy bao bì từ RCP và bột giấy tái chế tại Malaysia, nhằm xuất khẩu trở lại Trung Quốc. Và hầu hết nguồn cung nguyên liệu cho các dự án đầu tư mới này đều là RCP nhập khẩu./.

Nguồn: Theo Fastmarkets RISI