Dự báo thị trường giấy năm 2019
Nguồn: VPPA
Nhìn lại thị trường giấy năm 2018
Ngành giấy Việt Nam năm 2018 có sự tăng trưởng mạnh so với năm 2017, đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong lịch sử ngành giấy Việt Nam. Tiêu dùng các loại giấy đạt sản lượng 4,946 triệu tấn, tăng trưởng 16,0%; sản xuất đạt sản lượng 3,674 triệu tấn, tăng trưởng 31,0%; xuất khẩu đạt 809.250 tấn, tăng trưởng 63,0%; nhập khẩu đạt 2,081 triệu tấn, tăng trưởng 6,0%. Về trị giá: Xuất khẩu giấy và thành phẩm từ giấy đạt kim ngạch 1,088 tỷ USD, tăng trưởng 50,0% so với năm 2017.
Riêng giấy bao bì năm 2018, tổng lượng tiêu thụ giấy làm bao bì đạt sản lượng 3,818 triệu tấn, chiếm tỷ trọng 77,2% trên tổng lượng tiêu dùng các loại giấy, tăng trưởng 20,0% so với cùng kỳ, mức tăng trưởng về lượng cao nhất trong lịch sử ngành giấy Việt Nam. Trong đó, tiêu thụ giấy bao bì không tráng phấn đạt 3,17 triệu tấn, chiếm tỷ trọng 83,0%; giấy bìa tráng phấn đạt 648.400 tấn (không thống kê bao bì có tráng sử dụng cho chất lỏng như sữa, rượu, nước trái cây,…), chiếm tỷ trọng 17,0%. Sản xuất giấy làm bao bì năm 2018 đạt sản lượng 3,046 triệu tấn, chiếm 81,3% tỷ trọng sản xuất các loại giấy, tăng trưởng 37,0% so với cùng kỳ. Giấy bao bì là mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất đạt 641.000 tấn, chiếm tỷ trọng 79,2% trên tổng lượng các loại giấy và tăng trưởng 99% so với cùng kỳ.
Dự báo thị trường giấy năm 2019
Thế giới: Dự báo tiêu thụ giấy lớp mặt và sóng toàn cầu tăng trưởng 3,1%, năng lực sản xuất tăng 5,2%, chủ yếu ở thị trường Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Âu, Châu Á. Như vậy, cung đang vượt cầu khoảng 2,1% trong năm 2019.
Việt Nam: tiêu thụ giấy in, giấy viết thế giới được dự báo tăng trưởng trong năm 2019 là 1,0%, trong đó khu vực Châu Á được dự báo tăng 1,0%. Tiêu thụ trong nước vẫn tăng trưởng khoảng 3 – 5%. Các hiệp định CPTPP và EU và cơ hội xuất khẩu vở và sổ gia tăng vào thị trường Mỹ do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung dẫn đến nhu cầu gia công vở và sổ xuất khẩu có cơ hội nhiều hơn.
Tiêu thụ Giấy làm bao bì của thế giới năm 2019, được dự báo tăng trưởng 3,1%, trong đó khu vực Châu Á được dự báo tăng 4,3%. Xu hướng chuyển đổi bao bì không có khả năng tái chế hoặc tỷ lệ tái chế thấp sang bao bì giấy đang diễn ra mạnh. Tiêu thụ trong nước được dự báo tăng trưởng trên 12%, sản xuất gia công giấy trong nước để xuất khẩu sẽ tăng mạnh do các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất và một số năng lực mới đưa vào sản xuất có công suất lớn như Oji (Hà Nam) 50 triệu m2/năm giấy cứng trong quý II/2019.
Tiêu thụ Giấy tissue thế giới trong năm 2019 dự báo tăng 4,0%, trong đó khu vực Châu Á dự báo tăng 5,8%. Tiêu thụ trong nước năm 2019 được dự báo tăng trên 6,0%, do tăng trưởng về dân số và ngành dịch vụ ăn uống, khách sạn…
Tuy nhiên, ngành giấy Việt Nam vẫn có thể sẽ đối mặt nhiều thách thức về cạnh tranh thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa, nguyên liệu giấy thu hồi vẫn chủ yếu phụ thuộc nguồn nhập khẩu. Do đó, các doanh nghiệp cần có kế hoạch cụ thể để đảm bảo hiệu quả sản xuất và kinh doanh của mình.