Tăng sức cạnh tranh cho ngành giấy

VPPA-Bộ Công Thương vừa nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu công nghệ tạo chế phẩm enzyme trợ nghiền từ vi khuẩn - xạ khuẩn chịu nhiệt và ứng dụng trên dây chuyền sản xuất giấy tissue”, do Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô thực hiện. Thông qua triển khai đề tài, đã góp phần tăng sức cạnh tranh ngành giấy trong bối cảnh hội nhập.

 

tang-suc-canh-tranh-nganh-giay

Buổi họp nghiệm thu đề tài

Báo cáo tại buổi nghiệm thu đề tài, Thạc sĩ Trần Hoài Nam – chủ nhiệm đề tài – cho biết: Thị trường giấy tissue (giấy sinh hoạt/giấy vệ sinh) có nhiều tiềm năng để phát triển. Hiện nay, doanh nghiệp trong nước đang làm chủ “sân nhà” với hơn 90% thị phần. Các dòng sản phẩm giấy tissue đạt mức tăng trưởng tốt trong những năm gần đây, hứa hẹn là thị trường hấp dẫn. Thấy được tiềm năng đó, các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh kinh doanh trong lĩnh vực này không ngừng mở rộng đầu tư, thống lĩnh thị trường.

Tuy nhiên, sản xuất giấy là ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng, chiếm 18 – 25% giá thành sản phẩm. Tùy theo tính chất của từng loại bột giấy và yêu cầu của mỗi loại giấy mà năng lượng sử dụng cho quá trình nghiền bột giấy chiếm khoảng 15 – 18% tổng năng lượng cần thiết. Năng lượng nghiền chiếm một phần chi phí lớn trong giá thành sản phẩm. Việc hoàn thiện công nghệ, thiết bị nhằm giảm năng lượng nghiền là vấn đề cấp thiết, góp phần giảm giá thành sản phẩm và tiết kiệm năng lượng (điện, hơi).

Hiện nay, với sự phát triển của khoa học – công nghệ, công nghệ sinh học, enzyme trợ nghiền được biết trong ngành công nghiệp giấy có tác dụng tác động đến xơ sợi cellulose trước quá trình nghiền, giảm năng lượng trong quá trình nghiền, cải thiện khả năng thoát nước của bột trên lưới, giảm lượng hơi tiêu thụ công đoạn sấy, cải thiện tính chất giấy (độ mềm mại của giấy tissue), làm sạch nước tuần hoàn nội vi…

“Các doanh nghiệp sản xuất giấy tại Việt Nam đang rất quan tâm tới việc giảm năng lượng trong quá trình sản xuất. Đặc biệt, công đoạn nghiền bột giấy sử dụng năng lượng điện chiếm tỷ lệ tương đối lớn” – Thạc sĩ Trần Hoài Nam cho hay.

Theo đó, việc ứng dụng các nghiên cứu như sử dụng chế phẩm sinh học có khả năng làm giảm năng lượng nghiền, góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, tăng lợi nhuận và sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Mặt khác, việc nghiên cứu sản xuất chế phẩm trong nước sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn về nguồn đầu vào, phù hợp về giá thành. Chính vì vậy, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đề xuất và được Bộ Công Thương giao thực hiện đề tài.

Sau quá trình thực hiện đề tài, đến nay đã đạt được nhiều kết quả như: Nghiên cứu công nghệ chế tạo chế phẩm enzyme trợ nghiền (gồm hỗn hợp enzyme cellulase, xylanase) từ vi khuẩn – xạ khuẩn chịu nhiệt/ưa nhiệt; đã nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sử dụng chế phẩm enzyme trợ nghiền ở quy mô phòng thí nghiệm; hoàn thiện công nghệ ứng dụng chế phẩm enzyme trợ nghiền trên dây chuyền sản xuất giấy tissue quy mô > 3.000 tấn/năm.

Đặc biệt, đã tổ chức thử nghiệm quá trình ứng dụng chế phẩm enzyme trợ nghiền trên dây chuyền sản xuất giấy tissue quy mô > 3.000 tấn/năm, kết quả thu được cho thấy: Giảm 10,80% điện năng tiêu thụ trong công đoạn nghiền (từ 163,17 kWh/tấn sản phẩm xuống còn 145,54 kWh/tấn sản phẩm); vận tốc máy xeo dao động bình quân từ 842/582 m/phút (khi không sử dụng chế phẩm enzyme trợ nghiền dao động từ 801/559 m/phút) tương đương tăng tốc độ máy xeo khoảng 5,09%; độ nghiền của bột giấy tại bể máy là 350SR (không sử dụng enzyme là 320SR); cải thiện được tốc độ thoát nước của bột giấy từ 6,74 ml/phút tăng lên 8,35 ml/phút.

Theo Công Thương