Ngành sản xuất bao bì trước áp lực cạnh tranh

Với hàng chục ngàn doanh nghiệp (DN), nhà máy sản xuất trong và ngoài khu công nghiệp (KCN), nhu cầu về bao bì để đóng gói sản phẩm trên địa bàn Đồng Nai là rất lớn. Đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư lựa chọn lĩnh vực sản xuất, cung ứng bao bì mở DN, nhà máy phục vụ nhu cầu của khách hàng.

tinh-bot-bien-tinh

Nhiều đơn vị trong ngành hàng này không chỉ cung ứng sản phẩm cho đối tác ở Đồng Nai mà còn khắp cả nước và xuất khẩu. Mặc dù vậy, đối với các DN Việt, do quy mô khá nhỏ, chịu sự cạnh tranh gay gắt với các công ty nước ngoài nên cần phải liên kết với nhau để phát triển.

* Tiềm năng lớn

Nói đến DN sản xuất bao bì, có thể kể đến Công ty CP Bao bì Biên Hòa (Sovi) là DN có kinh nghiệm hơn 45 năm trong sản xuất, kinh doanh bao bì các loại.

tinh-bot-bien-tinh

Từ một dây chuyền sản xuất  với công suất 4 ngàn tấn/năm, đến nay Sovi có 3 nhà máy với công nghệ hiện đại tại Đồng Nai và tỉnh Bình Dương. Hằng năm, Sovi sản xuất, cung ứng cho thị trường 90 ngàn tấn sản phẩm các loại. Năm 2020 công ty đề ra mục tiêu sản xuất 94 ngàn tấn bao bì các loại, doanh thu 1,8 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 140 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên doanh số kinh doanh giảm, dù vẫn ở mức cao hơn 1,68 ngàn tỷ đồng. Bao bì Biên Hòa có các khách hàng tầm cỡ, trong đó có các công ty lớn, tập đoàn đa quốc gia như: Unilever, Pepsi, Coca-Cola, Nestlé, LG... Ngoài ra, DN này cũng cung cấp bao bì carton cho DN thuộc các ngành hàng như: bánh kẹo, hóa mỹ phẩm, dược phẩm…

Tượng tự, Công ty bao bì Khang Thành thành lập năm 2005 với hai nhà máy đặt tại KCM Amata. Khang Thành chuyên cung cấp giải pháp bao bì toàn diện từ thiết kế, in ấn và sản xuất hoàn thiện, bao gồm: hộp giấy, hộp quà cao cấp, túi giấy, vật phẩm quảng cáo POSM, sách, sổ tay, tem nhãn và sản phẩm bao bì khác.

Hơn 15 năm qua, Khang Thành đã cung ứng hàng triệu sản phẩm bao bì chất lượng đến các đối tác, thương hiệu nổi tiếng tại 20 quốc gia như: Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc... Ông Nguyễn Duy Thuần, Giám đốc công ty cho hay, từ tháng 7-2020, đơn hàng bởi DN đã tăng mạnh trở lại sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trước đó. Đến nay, DN này đã thiết kế, sản xuất ra 9 ngàn loại mẫu mã bao bì để cung ứng cho hơn 1,7 ngàn khách hàng trong và ngoài nước.

Một DN khác là Công ty CP Sản xuất bao bì công nghiệp Toàn Cầu (GLOPACO, KCN Hố Nai) đã xây dựng nhiều phân xưởng nhà máy, nhập khẩu thiết bị, máy móc hiện đại, đa dạng về chủng loại bao bì và công nghệ sản xuất. GLOPACO đáp ứng được 70% thị phần là những khách hàng nước ngoài, còn lại là khách hàng trong nước và những tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Việt Nam. Theo ông Phạm Văn Chính, Giám đốc công ty thì năm 2020 là năm DN gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 song DN vẫn có mức tăng trưởng 5%. Đây là cơ sở để đội ngũ cán bộ, công nhân viên công ty tin tưởng sẽ có kết quả khả quan hơn nữa trong năm 2021, nhất là khi dịch bệnh được kiềm chế.

* Vẫn chịu sự cạnh tranh lớn với “khối ngoại”

Theo các DN trong ngành sản xuất bao bì, mặc dù có tiềm năng phát triển lớn song trên thực tế, DN Việt đang ngày càng có nhiều sự cạnh tranh gay gắt đến từ khối FDI.

Theo Hiệp hội Bao bì Việt Nam, chỉ tính riêng trong 2 năm 2018 và 2019, đầu tư FDI vào ngành bao bì giấy đã tăng trưởng nhanh chóng và đang chiếm hơn 50% sản lượng giấy các loại của Việt Nam. Trong đó, các tập đoàn ngoại đang tìm cách mua bán, sáp nhập nhiều công ty bao bì của Việt Nam. Ngay cả đơn vị có truyền thống như Bao bì Biên Hòa hiện nay, 100% số vốn của công ty cũng đã thuộc sở hữu của một tập đoàn đến từ Thái Lan. Hiện tại, trong nước có trên 300 DN giấy và khoảng 2 ngàn DN nhựa tham gia sản xuất bao bì. Tuy nhiên, đa phần trong số đó là DN quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, mẫu mã, chủng loại sản phẩm còn đơn điệu, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Bao Bì Ngọc Thanh Phước (KCN Hố Nai), những năm qua DN đã phải rất nỗ lực trong việc tìm kiếm khách hàng và chịu sự cạnh tranh đến từ nhiều DN ngoại. Để có thể trụ vững, công ty phải tăng cường liên kết, phối hợp với các đối tác của mình nhằm giữ vững thị phần. Trong đó một giải pháp khá quan trọng là Ngọc Thanh Phước phối hợp với các DN là thành viên của Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai để sử dụng sản phẩm chéo của nhau. Đầu ra của DN này là nguyên liệu đầu vào của DN kia.

Đại diện GLOPACO cũng cho biết, đứng trước nhu cầu, những đơn hàng lớn, DN này sẽ liên kết và phối hợp với một số nhà máy sản xuất bao bì lớn tại Việt Nam để phục vụ toàn diện nhu cầu của khách hàng về chủng loại, số lượng từng đơn đặt hàng. Việc hợp tác này cũng sẽ giúp đáp ứng được những quy cách bao bì có các chi tiết kỹ thuật phức tạp đòi hỏi sản xuất ở nhiều công đoạn, công nghệ khác nhau.

Nguồn: Báo Đồng Nai-Văn Gia